Những loại trái cây quen thuộc mà bạn dùng mỗi ngày có thể trở thành liều thuốc kỳ diệu giúp trị một số bệnh thường gặp:
* Bưởi: Loại quả gần gũi mà chúng ta có thể gặp ở món tráng miệng trong các quán ăn, nhà hàng, bán trên các xe đẩy ngoài đường. Trong quả bưởi người ta thấy có đường, có các loại vitamin C, A và B1, các men amylaza, peroxydaza, nên có thể ép lấy nước uống cho bệnh nhân tiểu đường, thiếu vitamin C. Ngoài quả bưởi, người ta còn dùng cả lá bưởi để cất tinh dầu, dùng vỏ bưởi sắc uống để chữa rối loạn tiêu hóa và dùng cả vỏ hạt bưởi làm thuốc cầm máu.
Cam: Có vị chua, tính mát, tác dụng giải khát, thanh nhiệt, tiêu đờm và lợi tiểu. Thông thường quả cam được vắt lấy nước uống để giải nhiệt, trị sốt, cảm cúm, ho. Người ta còn dùng nước cam cho người bị đau mật, tiêu chảy và để khử độc. Ăn toàn cam trong 3 ngày có tác dụng như uống một liều thuốc tẩy độc cơ thể.
Đu đủ: Có vị ngọt, tính mát, tác dụng làm mát gan, nhuận tràng, tiêu đờm, giải độc, tiêu thũng. Đu đủ chín được coi là bổ, tác dụng giúp tiêu hóa, nhuận tràng. Trẻ em ăn đu đủ chín trong 7 – 10 ngày hoặc lâu hơn, sau khi ăn cơm chiều, sẽ giúp sổ giun. Quả đu đủ xanh còn non hầm với giò heo dùng cho phụ nữ cho con bú để lợi sữa, hoặc dùng quả xanh non hơ nóng, rồi áp vào chỗ sưng tấy, day đi day lại nhiều lần, khi nào nguội lại hơ nóng.
Vải: Vải chứa nhiều đường, protein, chất béo, vitamin C, A, B, có tác dụng dưỡng huyết cho những người suy nhược, tiêu độc trong các mụn nhọt và giúp làm đẹp da.
Chuối: Quả chuối chín vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, giải độc và có tính bổ dưỡng cao; bên cạnh đó còn thúc đẩy sự lên da non ở các vết thương tổn của ruột, chữa rối loạn tiêu hóa, táo bón, bệnh thiếu vitamin C. Quả chín rất tốt cho trẻ đang độ lớn, người dưỡng sức, người già, người lao động trí óc và chân tay. Quả xanh có tác dụng chữa bệnh tiêu chảy và kiết lỵ. Đặc biệt bột quả chuối xanh còn giúp phòng và chữa loét dạ dày. Ngoài ra, chuối còn chứa kali rất cần cho người vận động ra nhiều mồ hôi, đang sử dụng thuốc lợi tiểu, chuột rút do thiếu kali…
Dứa: Có vị chua ngọt, tính bình, tác dụng giải khát, giúp tiêu hóa. Có thể ép lấy nước uống, có tác dụng nhuận tràng, tiêu trệ. Hoặc có thể ăn trực tiếp quả chín, có tác dụng giải khát, tăng lực, chữa khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, giảm béo phì, xơ cứng động mạch, chống viêm. Người ta còn dùng quả dứa để chữa viêm khớp, sỏi tiết niệu. Những người ăn khó tiêu có thể ăn dứa sau mỗi bữa ăn để giúp tiêu hóa tốt thức ăn.
Dưa hấu: Có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu tiện. Quả còn non được dùng ăn sống. Quả chín ăn tráng miệng, giải khát, chữa sốt nóng, khát nước, đau họng, say rượu, tiểu không thông, tiểu buốt, tiểu gắt. Đây là loại quả thường dùng để giải nhiệt cơ thể trong mùa hè.
Dưa gang: Quả chưa chín dùng nấu canh như đu đủ. Còn quả chín thì ăn với đường có tác dụng giải khát, thông đường hô hấp trên và lợi tiểu.
Sưu tầm