1. Chuẩn bị thụ thai:
a. Chọn tuổi:
- Về mặt pháp luật, ở nước ta quy định là nữ từ 18 tuổi trở lên và nam từ 20 tuổi trở lên. Ở tuổi này người thanh niên đã thực sự trưởng thành về sinh lý cũng như về mặt tinh thần.
- Tuổi sinh con đầu lòng tốt nhất: nữ từ 20-30 và nam từ 25-35. - Sau 35 tuổi ở nữ và 55 tuổi ở nam thì không nên sinh con.
b. Chọn người kết hôn:
- Tránh kết hôn với người gần huyết thống.
- Nếu kết hôn với người có bệnh thiểu năng trí tuệ, tâm thần, có bệnh di truyền thì cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên ngành trước khi quyết định mang thai.
- Kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn.
c. Chọn mùa: Tránh thời kỳ giao mùa, những thời điểm hay bệnh dịch như cúm, các bệnh về siêu vi, dịch bệnh truyền nhiễm.
d. Tránh các yếu tố độc hại:
- Bỏ rượu, bỏ hút thuốc lá ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
- Ngưng thuốc tránh thai ít nhất 6 tháng.
- Ngưng điều trị thuốc phóng xạ ít nhất 6 tháng.
- Ngưng tiếp xúc với các yếu tố phóng xạ, các kim loại nặng, các hóa chất độc hại từ 3-6 tháng.
- Kiểm tra sức khỏe trước khi quyết định mang thai.
- Chữa trị khỏi các bệnh viêm nhiễm ở đường sinh dục như viêm âm hộ, âm đạo, tử cung.
- Tránh các thủ thuật làm tổn thương đến cơ quan sinh dục, nhất là niêm mạc tử cung.
2. Quyết định thụ thai
- Để có 1 thai nhi khỏe mạnh thì tinh trùng và noãn phải khỏe mạnh. Muốn vậy thì ngoài việc thực hiện tốt những vấn đề đã nêu trên thì sức khỏe của vợ chồng phải ở thời kỳ sung mãn nhất về thể chất và tinh thần.
- Không nên thụ thai trong thời kỳ tuần trăng mật.
- Để đảm bảo số lượng và chất lượng tinh trùng, không nên giao hợp quá nhiều lần trong ngày. Người nam không nên mặc quần quá dày, bó sát làm nhiệt độ vùng tinh hoàn tăng lên.
- Ở những phụ nữ có tử cung ngả sau thì sau khi giao hợp nên nằm ngửa nửa giờ để tinh trùng xâm nhập buồng tử cung thuận lợi, nâng cao hiệu suất thụ thai.
- Các biểu hiện của mang thai:
* Mất kinh.
* Bầu vú căng, núm vú mềm, màu sậm quanh vú tăng lên, vú có thể ngứa.
* Đi tiểu thường xuyên hơn, cảm giác đầy bụng dưới.
* Buồn nôn, nôn.
* Ham muốn ăn uống thay đổi.
* Người mệt mỏi, buồn ngủ.
3) Chăm sóc thai nhi:
Thai kỳ bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cho đến khi sinh con, thường kéo dài 37-42 tuần, trung bình 40 tuần (280 ngày), quá 14 ngày gọi là già tháng. Thai kỳ được chia làm 3 thời kỳ:
- 3 tháng đầu: mẹ tăng khoảng 1 kg.
- 3 tháng giữa: mẹ tăng khoảng 5 kg.
- 3 tháng cuối: mẹ tăng khoảng 6 kg.
4) Chế độ làm việc:
a. Làm việc:
- Tùy theo sức khỏe mỗi người, cường độ lao động nên giảm dần.
- Tránh làm những việc nặng nhọc, việc phải gắng sức nhiều, việc chèn ép bụng.
- Tránh làm việc trong môi trường dộc hại và làm việc ban đêm.
- Nghỉ việc tháng cuối thai kỳ và 2 tháng sau khi sinh.
b. Luyện tập:
- Luyện tập có tác dụng duy trì, tăng cường sức khỏe vì các lý do sau đây:
* Tăng thông khí, lưu lượng máu, tăng sức mạnh cơ bắp, tính mềm dẻo cơ thể.
* Tăng sự trao đổi chất và sức đề kháng cơ thể.
* Chống stress, tạo tinh thần thoải mái, tạo giấc ngủ ngon.
- Phương pháp luyện tập:
* Tập phải nhẹ nhàng, phù hợp với thai. Có điều kiện nhờ chuyên viên sức khỏe hướng dẫn.
* Tập thế đứng, đi, ngồi, nằm. Tập cơ bụng và lưng chậu.
* Các bài tập có thể sử dụng: xe đạp, bơi, nhịp điệu, đi bộ là tốt nhất.
c. Nghỉ ngơi: Phải luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan. Nếu căng thẳng, đau buồn sẽ ảnh hưởng xấu cho thai nhi. Trong thai kỳ không cần phải nghỉ làm tuyệt đối, chỉ cần 2 tuần trước sinh và 2 tháng sau sinh. Nếu sức khỏe của mẹ và thai nhi có vấn đề, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc về chế độ làm việc và nghỉ ngơi.
5) Theo dõi sự trưởng thành, phát triển của thai:
a. Thăm khám định kỳ:
- Rất quan trọng để tiên lượng sinh đẻ, can thiệp hiệu quả, bảo vệ sức khỏe sản phụ và thai nhi.
- Lần thứ nhất để xác định xem có thai hay không, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, làm một số xét nghiệm tổng quát.
- Những lần kế tiếp: mỗi tháng nên thăm khám 1 lần cho đến hết tháng thứ 6. Từ tháng thứ 7 trở đi mỗi tháng nên khám 2 lần. Trong thăm khám bà mẹ được theo dõi sự tăng cân, đo bề cao tử cung, nghe tim thai, vị trí của thai nhi, theo dõi cơn gò tử cung và thai máy. Phát hiện dấu hiệu ngộ độc thai nghén và tiêm ngừa uốn ván 2 mũi vào tháng thứ 5 và tháng thứ 6.
b. Những dấu hiệu không tốt cho mẹ và thai nhi:
- Phù nhiều, tiểu Albumin, cao huyết áp.
- Không lên cân hay lên cân quá nhanh so với thai kỳ.
- Chiều cao tử cung không tăng.
- Bất thường của nhịp tim thai hay mất tiếng tim thai. Nhịp tim thai bình thường 120-140 lần/phút, đều, rõ.
- Thai máy giảm hay không máy. Bình thường khi mang thai đến tuần thứ 8-20 thì thai phụ có thể thấy được thai máy, càng về cuối thai kỳ nhịp độ thai máy càng tăng (trung bình mỗi giờ 3-5 lần, mỗi 12 giờ là 30-40 lần). Nếu dưới 3 lần/giờ, dưới 20 lần trong ngày là không tốt. Nếu thai không máy liên tục sau 24 giờ thì thai nhi đã chết.
- Đau bụng dữ dội, người mệt lả.
- Xuất huyết ở bộ phận sinh dục.
c. Dấu hiệu báo sinh:
- Cơn gò tăng.
- Đau tăng vùng chậu lưng.
- Rỉ ối.